BNEWS đã có trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam xung quanh việc có nên tiếp tục đầu tư các dự án thép ở Việt Nam hay không và nếu đầu tư, chúng ta sẽ phải cân nhắc những yếu tố gì?
Nhiều ý kiến cho rằng, lượng thép trong nước đang ở mức dư thừa, ngành thép trong nước lại đang phải cạnh tranh với nguồn thép nhập khẩu giá rẻ, gian lận thương mại từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các dự án thép đang dấy lên lo ngại về tính an toàn môi trường như tổ hợp Formosa Hà Tĩnh mới đây.
BNEWS đã có trao đổi với ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam xung quanh việc có nên tiếp tục đầu tư các dự án thép ở Việt Nam hay không và nếu đầu tư, chúng ta sẽ phải cân nhắc những yếu tố gì?
BNEWS: Xin ông đánh giá tình hình cung – cầu trong ngành thép đến thời điểm này ?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Hiện nay, đối với mặt hàng thép xây dựng thông thường như thép dài thì công suất các nhà máy khoảng 12 triệu tấn. Nhưng hiện trong nước sản xuất gần 7 triệu tấn và nhập khẩu gần 2 triệu tấn. Tổng lượng tiêu thụ mỗi năm hơn 7 triệu tấn.
Tương tự là phôi thép cũng có công suất khoảng 12 triệu tấn, đủ cung cấp cho sản xuất khoảng 6-7 triệu tấn (sau khi tính cả hệ số tiêu hao), vẫn cao hơn nhu cầu về tiêu thụ. Bản thân năng lực, công suất của chúng ta chưa phát huy được hơn và dư thừa lớn là do nhu cầu trong nước chưa tới.
Thứ 2 là cạnh tranh từ thép giá rẻ của Trung Quốc nhập khẩu vào. Năm 2015, Việt Nam nhập hàng triệu tấn thép thành phẩm và phôi thép. Điều này ảnh hưởng đến thị phần và công suất của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đối với thép ống, tôn mạ, thép cán nguội thì tình hình tiêu thụ trong nước cao và xuất khẩu cũng gặp thuận lợi. Các doanh nghiệp dẫn đầu ở mặt hàng này như Hoa Sen, Phương Nam, Nam Kim, Đông Á… Trong khu vực Đông Nam Á, dòng sản phẩm này của chúng ta cũng đang chiếm ưu thế, có điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
BNEWS: Với tình hình cung – cầu hiện nay, cùng với việc thép trong nước phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, thép giá rẻ, theo ông, có nên tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy thép trong tương lai hay không?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Chúng ta vẫn phải đầu tư, nhưng vấn đề là tính toán, cân nhắc đầu tư ở giai đoạn nào, thời điểm nào, quy mô và công nghệ ra sao để kiểm soát môi trường và đảm bảo tính cạnh tranh khi sản phẩm ra thị trường.
Trong giai đoạn hiện nay thì hiệp hội cũng không khuyến khích đầu tư các dự án ở sản phẩm phôi thép và thép dài. Bởi lượng chênh lệch cung – cầu đang ở mức lớn.
Mà chủ yếu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để tăng tính cạnh tranh, giảm tiêu hao, giảm bớt các tác động môi trường, tăng chất lượng sản phẩm. Hiệp hội khuyến khích đầu tư chiều sâu chứ không khuyến khích đầu tư chiều rộng.
Còn với các sản phẩm như thép tấm lá cán nguội, lá cán nguội, tấm cán nóng, thép hợp kim đặc biệt… thì các doanh nghiệp có thể cân đối phát triển, đầu tư thêm, bởi ở nhóm sản phẩm này, chúng ta đang có ưu thế phát triển, xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm trong nhóm này, Việt Nam chưa sản xuất được, mỗi năm nhập cũng khoảng 5 triệu tấn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm và cơ khí dân dụng trong nước.
Đó là tính cho giai đoạn hiện tại và trong khoảng 5-7 năm nữa, còn có thể xa hơn, Việt Nam vẫn chọn công nghiệp hoá để phát triển đất nước.
Để tạo ra một nước công nghiệp hoá thì có nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu ngành sản xuất thép. Nếu chọn con đường đó thì phải xem mức tiêu thụ thép của Việt Nam như thế nào.
Hiện nay, mức tiêu thụ khoảng 200 kg/người/năm. Mức trung bình thế giới khoảng 220-230 kg/người/năm.
Các nước như Trung Quốc 400 kg/người/năm, Nhật Bản và Hàn Quốc trước là 1.000 kg/người/năm và đang có hướng giảm xuống, Châu Âu khoảng 600 kg/người/năm…
So với mức đó, Việt Nam vẫn ở bình diện thấp. Và tương lai nhu cầu này hướng tới 250-300 kg/người/năm là điều được dự đoán.
Do vậy, các doanh nghiệp thép trong tương lai khi đầu tư phải dự đoán nhu cầu tiêu thụ thép, dựa vào GDP và chỉ số công nghiệp xây dựng. Hai yếu tố này sẽ phản ánh tiêu thụ ngành thép tăng bao nhiêu, để tính toán, đón đầu nhu cầu thị trường.
Thế nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả; đầu tư phải có quy mô tương đối lớn để khắc phục cái manh mún, rải rác về công suất, công nghệ ở nhiều nơi, tập trung mới có sức cạnh tranh được. Vì vậu theo tôi chỉ đầu tư vài trăm nghìn tấn nhỏ lẻ là không ổn.
BNEWS: Nhiều nhà máy thép hoạt động ảnh hưởng đến môi trường như Formosa Hà Tĩnh, ông đánh giá thế nào về tính cần thiết của các nhà máy này?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Trước hết, theo như tổ hợp Formosa thì chủ yếu là sản xuất tấm cán nóng, cán nguội, mà dòng sản phẩm này trong nước chưa sản xuất được.
Nên nếu Formosa ra được chủng loại đó và cạnh tranh được với sản phẩm từ Trung Quốc thì họ vẫn có thị trường mà không ảnh hưởng tới các dòng sản phẩm khác.
Việc Formosa sai phạm, gây tác động về môi trường, thì sai đến đâu, chúng ta xử lý đến đó, còn một mặt vẫn phải khuyến khích để họ sản xuất, tạo ra sản phẩm.
Song trong tương lai, từ sự việc của Formosa, hiệp hội cho rằng, chúng ta cũng có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về thép như Hoa Sen, Hoà Phát… họ có đủ năng lực để có thể làm những dự án thép lớn.
Nên chăng có thể chọn những vùng phù hợp, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước.
Bởi lẽ, hiện nay, các thiết bị, công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp có thể đáp ứng được, không cần thiết phải doanh nghiệp nước ngoài.
BNEWS: Theo ông, chúng ta cần cân đối lợi ích giữa nhập khẩu thép với việc tự sản xuất thế nào?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Chúng ta thừa thép là thừa ở thời điểm hiện tại và thừa ở mặt hàng nào đó, chứ nhiều mặt hàng chúng ta đang thiếu.
Hiện chúng ta vẫn nhập siêu vì phải nhập tấm lá, cán nguội, cán nóng, rồi thép hợp kim chưa sản xuất được nhiều. Chứ thép dài đang thừa và hiệp hội cũng không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mới.
Những sản phẩm nào Việt Nam đã sản xuất được, đủ nhu cầu trong nước thì cân nhắc các biện pháp phòng vệ, tiến tới giảm nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Còn sản phẩm chưa sản xuất được thì hiệp hội ủng hộ nhập khẩu chứ không “đóng kín cửa” và cũng ủng hộ đầu tư xây dựng các dự án mới về sản phẩm này.
Cho nên khi tham gia vào các Hiệp định thương mại mà hiệp hội được tham vấn và nguyên tắc của hiệp hội là những gì trong nước sản xuất được thì cần có bảo hộ và có lộ trình, còn những gì trong nước chưa sản xuất được thì chúng ta chấp nhận mở cửa.
Tuy nhiên, việc bảo vệ bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại và phòng vệ chỉ là ngắn hạn, còn quan trọng vẫn phải là nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nội.
BNEWS: Xin cảm ơn ông!