Chủ Nhật , Tháng chín 29 2024

Xuất khẩu thép trong năm 2017 có khó khăn?

Trong năm qua, ngành thép chịu sức ép lớn khi liên tục vướng vào các vụ kiện thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (TCTC) từ các nước nhập khẩu. Không những vậy, tại thị trường nội địa, thép Trung Quốc vẫn ồ ạt được nhập vào khiến nên các doanh nghiệp sản xuất đã phải rất vất vả để cạnh tranh.

Đánh giá lại tình hình ngành thép năm qua và những dự đoán trong năm tới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA).

Ông đánh giá tình hình xuất nhập khẩu ngành thép trong năm qua và năm tới có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Nhìn chung, kim ngạch nhóm mặt hàng sắt thép tính từ đầu năm đến giữa tháng 12 đã vượt 10,4 tỷ USD trong khi đó kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,7 tỷ USD. Kết quả là, ngành thép rơi vào tình trạng nhập siêu lớn, với mức thâm hụt lên tới 6,7 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thép chính từ Trung Quốc với khối lượng lên gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5%.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu của nền kinh tế thị trường, các nước luôn tìm mọi cách để bảo hộ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều thị trường đã tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua việc dựng lên những hàng rào bảo hộ được WTO cho phép, là những biện pháp phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế CBGP hoặc các hàng rào kỹ thuật…. Trong đó, điều tra áp TCBP lên mặt hàng thép nhập khẩu là cách được các nước tích cực áp dụng. Bởi vậy, trong những năm tới, việc xuất khẩu các sản phẩm thép không hề đơn giản.

Ngành thép trong năm 2016 vướng phải một số vụ kiện chống bán giá và có ý kiến cho rằng nguyên nhân cho rằng thép Việt Nam bị kiến chống bán phá giá vì nghi ngờ liên quan đến sản phẩm thép Trung Quốc. Theo ông, đó có phải là nguyên nhân chính và nếu không phải thì nguyên nhân là do đâu?

Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã chính thức nộp đơn kiện chống bán lần tránh thuế CBPG và TCTC đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguyên nhân là sau khi áp thuế mạnh với thép Trung Quốc thì lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến. Theo đó, phía Mỹ nghi ngờ thép của chúng ta đội lốt thép Trung Quốc rồi xuất ngược lại Mỹ.

Nguồn cơn của sự việc này là vào tháng 5/2016, Mỹ ban hành luật áp thuế CBGP là 200% và TCTC là 256% đối với tôn mạ của Trung Quốc xuất sang thị trường này. Bởi vậy, lượng tôn mạ từ Trung Quốc vào Mỹ giảm.

Sau đó vào ngày 27/9/2016, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn cáo buộc sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu từ thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc và nghi ngờ thép của Trung Quốc đã nhập qua Việt Nam để trốn thuế.

Trên thực tế, Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có đơn vị nào sản xuất được thép HRC để làm nguyên liệu nên mỗi năm phải chi hàng tỷ USD để nhập sản phẩm này từ các nước, trong đó nhập nhiều nhất từ Trung Quốc.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thép Trung Quốc so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam đã nhập 6 triệu tấn thép Trung Quốc trong năm 2014, và con số này đã tăng lên 10 triệu tấn trong năm 2015.

Ngày 7/11 vừa qua, Bộ Thương Mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra vụ việc này và hiện chúng tôi vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa để có kết quả chính xác.

Hiện đang có một số dự án thép chờ Bộ công thương xem xét. Nếu dự án được triển khai, nguồn cung thép trong nước được đảm bảo, Việt Nam không phải nhập nhiều thép từ nước ngoài. Như vậy, ông đánh giá, triển vọng của ngành thép sẽ như thế nào?

VSA luôn ủng hộ các doanh nghiệp thành viên nếu họ có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất nguồn nguyên liệu thép; bởi một mặt giúp tạo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, mặt khác còn đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Việt Nam đang trong tiến trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và theo kinh nghiệm của các nước đi trước tất yếu phải phát triển Công nghiệp Vật liệu – trong đó có thép.

Hiện nay, tiêu thụ thép bình quân trên đầu người của những nước công nghiệp phát triển đều trên 500 – 600kg/người. Thậm chí, tiêu thụ thép ở Hàn Quốc là hơn 1.000 kg/người, nước láng giềng Thái Lan cũng đạt 350kg/người; nhưng Việt Nam mới chỉ đạt 200kg/người, thấp hơn mức trung bình thế giới là 240kg/người. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, ngành thép vẫn có triển vọng để phát triển.

Hơn nữa, nhu cầu thép của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 60 – 70% công suất thiết kế nhưng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, tiêu thụ thép cũng sẽ tăng 10 – 15%/năm. Như vậy, sau 3 – 4 năm nữa, ngành thép có thể sẽ cân bằng cung và cầu. Bởi vậy, một số doanh nghiệp mạnh, đủ năng lực về tài chính và các nguồn lực khác đã nhìn xa trộng rộng, nghĩ tới đầu tư nhà máy thép vì xây dựng được một nhà máy thép đi từ quặng phải mất 3 – 4 năm.

Để có được sự phát triển bền vững của ngành thép thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ các Quy chuẩn Quốc gia về phát thải khí, rắn và lỏng ra môi trường theo các quy định hiện hành. Thế giới đã chứng minh, các nhà máy thép lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ được đặt tại các thành phố gần biển nhằm tận dụng lợi thế về vận chuyển nhưng vẫn thỏa mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

 

Theo VNB – PL.XH

Bài viết khác

Sản xuất chân bàn làm việc bằng thép tại nhà máy của Tennsco ở Dickson Tennessee Mỹ

Giá thép tăng vọt tạo thành Cơn sốt thép ở Mỹ

NỘI DUNG CHÍNHTrong năm qua, ngành thép chịu sức ép lớn khi liên tục vướng …